4 Bước chỉnh phao chính xác
Sau một thời gian dài tìm hiểu quan sát trên diễn đàn về các vấn đề câu cá tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều cần thủ mới không rõ lắm về việc chỉnh phao, cũng không nắm rõ trạng thái của lưỡi câu sau khi rải mồi xuống nước, theo tôi đây là một điều hết sức bình thường. Bởi vì từ một người mới để trở thành một người câu lão làng giàu kinh nghiệm cần phải có một quá trình học tập và rèn luyện khá là dài. Liên quan đến các vấn đề về chỉnh phao, tôi rất muốn trả lời từng câu hỏi của các bạn nhưng xem ra rất khó vì việc chỉnh phao này không phải một sớm một chiều là nói rõ được, cho nên tôi viết nên bài viết này để cho các bạn mới vào nghề tham khảo đồng thời tăng cường sự hiểu biết cho bản thân tôi, hi vọng sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình đi câu.
Để mọi người dễ hình dung bài viết này tôi đã thêm một số hình ảnh do chính tay tôi làm. Nhưng có một vấn đề mọi người cần chú ý đó là những hình ảnh này không đúng cho tất cả các loại mồi, vị trạng thái của mỗi loại mồi khi xuống nước là hoàn toàn khác nhau. Khu vực khác nhau, điểm câu khác nhau, kích cỡ và độ dài ngắn của dây câu khác nhau, thậm chỉ khoảng cách lưỡi câu khác nhau cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi của trạng thái mồi khi xuống nước.
Khái niệm chỉnh phao mà chúng ta thường nói thực chất đó chính là điều chỉnh độ nổi còn lại của phao ở trong nước bằng cách tăng thêm hoặc gọt bớt chì chặn. Thông thường khi câu cá con cá nhỏ hoặc cá nhát ăn số nấc phao chỉnh càng nhỏ chứng tỏ phao càng nhạy. Bởi vì độ nổi còn lại của phao ở trong nước càng nhỏ thì lực kéo phao chìm xuống dưới hoặc đẩy phao lên trên của cá càng nhỏ. Nhưng nếu đó là cá lớn thì chúng ta cần phải điều chỉnh số nấc phao chỉnh lớn một chút để phao có thể chịu được trọng lượng nhất định của mồi, khiến cá ăn mồi dễ dàng hơn. Cho nên mục đích cuối cùng của việc chỉnh phao chính là tạo điều kiện cho cá ăn mồi một cách dễ dàng.
Những từ khóa khi chỉnh phao đó là: không đánh vươn, kiểm tra phao. Công tác chuẩn bị chi giai đoạn đầu: ngâm phao trong nước.
Bước 1 khi chỉnh phao: Tìm sơ bộ đáy mà không móc hai lưỡi câu, đo độ sâu nước
Không móc hai lưỡi câu, trên thanh chặn chì ta quấn một cục chì có độ nặng lớn hơn lực đẩy của phao, sau đó ném dây trục vào điểm câu, lúc này phao gần như đã chìm hẳn xuống nước. Sau đó ta đẩy phao liên tục cho đến khi lộ ra số nấc phao, chỉ cần lộ ra đầu nhọn của tăm phao hoặc khoảng 1 nấc phao là được, lúc này ta đã tìm được đáy rồi. Và khoảng cách từ đầu nhọn của tăm phao đến chì chặn hoặc từ 1 nấc phao đến chì chặn lộ ra đó được gọi là độ sâu của nước. Những điểm cần chú ý khi thực hiện bước này ( theo tôi những điểm này rất quan trọng), đó là:
1/ Đáy là một khu vực chứ không phải 1 điểm, ví dụ như trong phạm vi đường kính 20-50cm. Chúng ta cần phải vung cần một vài lần mới thăm dò được điểm câu, từ đó mới tìm được khu vực đáy tương đối bằng phẳng một cách chính xác( bởi vì không phải cần nào vung cần cũng đều vào đúng 1 chỗ).
2/ Còn một điểm vô cùng quan trọng nữa đó là khi tìm đáy bạn không được đánh vươn. Bởi vì khi chúng ta vung cần bình thường thì điểm rơi của chì sẽ ở phía trước phao, còn nếu chúng ta đánh vươn thì dây gió sẽ chặn phao lại, khiến cho phao không theo kịp điểm rơi của chì, vì thế khi chì đến phao thì dây nước ở đoạn này sẽ bị nghiêng, lúc này độ sâu nước mà ta đo được khi tìm xong đáy trên thực tế sẽ sâu hơn độ sâu thực tế của nước. Ví dụ như độ sâu thực tế của nước là 2m, thì sau khi ta đánh vươn độ sâu đo được có khả năng lên đến 2.5m, nếu ta dùng độ sâu này để móc dây thẻo để chỉnh phao thì rất có khả năng hai lưỡi câu đều nằm đáy hoàn toàn khiến ta không cách nào chỉnh phao chính xác được. Đối với vấn đề này biện pháp giải quyết đó là không đánh vươn hoặc chừa một khoảng cách nhất định về phía sau cho cần. Các bạn có thể xem hình ảnh minh họa bên dưới.
Bước thứ hai: Bắt đầu chỉnh phao
Kéo phao xuống phía dưới, khoảng cách kéo này cỡ bằng chiều dài của một dây thẻo dài cộng thêm 10-15cm, mục đích là khiến cho sau khi móc hai lưỡi câu thì khoảng cách lưỡi câu dưới với đáy là 10-15cm, tức là khiến cho phao nằm ở trạng thái “lưng chừng nước”. Sau khi móc hai lưỡi câu xong phải đảm bảo hai lưỡi câu và chì đều ở trạng thái lơ lửng trong nước, và rất gần với đáy, như vậy khi chỉnh phao mới chính xác được. Đồng thời cũng di chuyển 4 hạt chặn dùng để cố định bộ phận gắn chân phao xuống dưới.
Sau khi ném dây trục xuống nước, căn cứ vào tốc độ chìm của phao để quyết định lượng chì cần phải gọt bớt là bao nhiêu. Nếu chìm nhanh thì gọt nhiều một tí, nếu chìm chậm thì gọt ít một tí. Để chỉnh phao được nhanh thì mỗi lần sau khi ném phao xuống điểm câu phao đều chìm xuống dưới ta có thể khoan không ép dây nước. Ta cứ liên tục gọt chì cho đến khi phao lộ ra số nấc phao đã chỉnh hoặc ít hơn một tí cũng được. Sau đó ta móc hai lưỡi câu lên, tiếp tục ném dây trục xuống nước lần nữa đồng thời ép dây nước, lúc này ta quan sát xem phao bị ép xuống mấy nấc, nếu sau khi mang lưỡi câu số nấc phao lộ ra thành 3 nấc thì mỗi 1 lưỡi câu sẽ nặng 3 nấc( tạm thời không tính đến trọng lượng dây thẻo). Tiếp tục ném cần gọt chì cho đến khi số nấc phao đạt đến số nấc chỉnh, ví dụ 5 nấc.
Bước 3: kiếm tra phao
Trên cơ sở chỉnh đúng 5 nấc phao, ta rút cần về phía sau làm cho toàn bộ tăm phao chìm hẳn xuống nước, sau đó nâng nhẹ nhàng lên đến vị trí ban đầu để xem phao có trở về đúng 5 nấc mà ta đã chỉnh hay không. Nếu phao trở về đúng số nấc chỉnh ban đầu có nghĩa là việc chỉnh phao của bạn đã chính xác.
Còn nếu không trở về đúng 5 nấc có nghĩa là việc chỉnh phao của bạn chưa đúng, lúc này bạn cần tiếp tục gọt chì. Nếu sau khi phao trở về vị trí ban đầu một cách tự nhiên nhưng có số nấc phao chênh lệch quá nhiều so với số nấc phao chỉnh ban đầu, ví dụ sau khi kéo phao chìm xuống nước và tự động trở về vị trí ban đầu mà phao chỉ lộ ra 3 nấc có nghĩa là thân phao đã dính vật bẩn hoặc dầu bẩn, lúc này bạn cần dùng khăn lông ướt lau sạch thân phao đồng thời ném cần vài lần để rửa phao cho sạch cho đến khi số nấc phao đạt đến số nấc chỉnh ban đầu. Hoặc bạn cũng có thể bắt đầu câu cá với 3 nấc phao này, sau khi câu vài chục phút ta lại tiếp tục chỉnh phao, thời gian này được xem như thời gian đánh ổ dụ cá lớn trước vậy.
Nếu bạn không kiểm tra phao sẽ dẫn đến một vài vấn đề rắc rối, ví dụ như sau khi câu một thời gian ngắn bạn sẽ phát hiện thấy số nấc phao chỉnh ban đầu sẽ thay đổi lên xuống thất thường. Nguyên nhân là do thân phao đã dính vật bẩn, trong nước sẽ có một phần trọng lực kéo phao xuống mà số nấc phao chỉnh thực tế lại cao hơn số nấc phao hiện tại. Còn nếu tỉ trọng của vật bẩn dầu bẩn dính trên thân phao nhẹ hơn tỉ trọng của nước thì sẽ có một phần trọng lực kéo phao lên trên và số nấc phao chỉnh thực tế sẽ thấp hơn số nấc phao hiện tại. Điều này sẽ rất khó khăn cho chúng ta khi đi câu, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng cá của bạn nữa.
Bước 4: Móc mồi vào hai lưỡi câu tìm đáy một cách chính xác
Lúc đầu bạn vuốt/ vê viên mồi to chừng nào thì móc viên mồi to chừng ấy lên trên lưỡi câu. Trước khi móc mồi bạn phải chà xát vài lần để mồi bết vào nhau càng nhiều càng tốt, như vậy mồi sẽ không dễ dàng bị tan ra sau khi gặp nước để việc nhìn tín hiệu phao tìm đáy chính xác hơn. Nếu bạn vừa ném cần xuống nước mà lập tức có cá đến ăn mồi thì bạn phải móc cục gôm không mùi có trọng lượng bằng với viên mồi để tìm đáy( cục gôm này có thể nặng hơn lưỡi câu 1-2 nấc).
Sau khi ném cần xuống nước sẽ xảy ra hai trường hợp dưới đây(lúc này bạn có thể cân thử trọng lượng mồi để xem thử hai lưỡi có thể ép phao chìm xuống mấy nấc từ đó có thể biết được trọng lượng của từng lưỡi câu thông qua số nấc phao. Nếu biết được trọng lượng của lưỡi câu và mồi câu thì ta có thể tính toán sơ được trạng thái của mồi khi ở dưới đáy).
1/ Cả phao chìm hẳn trong nước
Nếu bạn chỉ muốn câu đáy thì có thể bạn có thể liên tục móc hai lưỡi và đẩy phao lên trên cho đến khi lộ ra đầu nhọn phao hoặc 1 nấc phao, điểu đó chứng tỏ hai lưỡi đã hoàn toàn nằm đáy. Lúc này trạng thái của hai lưỡi câu đó là lưỡi câu dưới đã nằm đáy còn lưỡi câu trên đang tiếp xúc nhẹ với dáy. Lúc này cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để câu đáy. Nếu bạn muốn câu lụt một chút thì bạn tiếp tục đẩy phao lên trên. Khi đẩy phao lên trên bạn không được làm di chuyển hạt chặn phía trên cùng dùng để cố định phao. Căn cứ vào tình hình ăn mồi của cá để liên tục đẩy phao lên trên cho đến khi tìm điểm câu thích hợp nhất.
Điểm câu lụt nhất chính là điểm lộ ra số nấc phao khi không móc hai lưỡi câu. Ví dụ như khi bạn móc hai lưỡi số nấc phao chỉnh là 5 nấc, khi chỉnh phao đã đo được trọng lượng của 1 lưỡi câu là 1 nấc, như vậy khi không móc lưỡi câu số nấc chỉnh là 7 nấc, lúc này điểm lụt nhất là 7 nấc hoặc hơn 1 tí, cũng chính là vị trí mà bệ đỡ chì hoặc khoen số 8 đến đáy. Ta không nhất thiết phải câu ở điểm lụt nhất nhưng ta phải có sự phán đoán để tìm điểm câu thích hợp. Trên 7 nấc ta có thể câu chì chạy hoặc chì trượt.
Nếu trên cơ sở câu đáy bạn muốn câu cách đáy/ câu nửa đáy/ câu cạn lúc này bạn phải móc hai lưỡi câu để chỉnh phao, liên tục gọt chì cho đến khi phao lộ ra số nấc phao cần thiết, ví dụ 3 nấc( lưu ý số nấc phao chỉnh ban đầu đã có sự thay đổi).
2/ Sau khi móc mồi vào hai lưỡi câu có lộ ra số nấc phao
Sau khi móc mồi vào hai lưỡi câu, số nấc phao lộ ra là 3 nấc( số nấc chỉnh ban đầu là 5 nấc, chứng tỏ trọng lượng 1 lưỡi câu là 1 nấc), ta liên tục móc mồi vào hai lưỡi câu và kéo phao lên trên cho đến khi phao lộ ra 3 nấc rưỡi hoặc 4 nấc, chứng tỏ lúc này đã tìm được đáy. Lúc này trạng thái của mồi là lưỡi câu dưới đã chạm đáy còn lưỡi câu trên còn lơ lửng trong nước. Nếu dưới đáy có lớp bùn, để cho mồi lưỡi câu dưới không bị vùi trong lớp bùn thì ta có thể kéo phao xuống khoảng 1 nấc. Sau khi kéo xuống 1 nấc thì trạng thái mồi lúc này là lưỡi câu dưới đã chạm nhẹ đáy, lưỡi câu trên còn lơ lửng. Lúc này chính là điểm câu thích hợp nhất cho câu đáy. Căn cứ vào tập tính cá, ta liên tục kéo phao lên trên, liên quan đến chi tiết này bạn có thể tham khảo bài viết “ Số nấc phao chỉnh cao hay thấp được gọi là “nhạy”?” của tôi để nắm rõ hơn, cho đến khi tìm được điểm câu dễ trúng cá nhất( trước khi đẩy phao lên trên, bạn không được di chuyển hạt chặn ở bên dưới cùng của phao vì nó có tác dụng cố định, sau đó nếu muốn tiếp tục chỉnh nhạy thì bạn có thể kéo phao xuống đến vị trí hạt chặn dưới cùng). Cách tính toán điểm câu lụt nhất giống như bên trên.
Nếu sau khi móc mồi vào hai lưỡi câu số nấc phao vẫn lộ ra thì bạn có thể câu cách đáy/ câu giữa đáy/ câu lửng/ câu cạn. Theo tôi lúc này câu cạn là hợp lý hơn cả( khi câu ta đẩy thanh quấn chì đến vị trí dài gấp đôi dây thẻo trở lên). Cách câu cụ thể xin xem hình bên dưới.
Trên đây là những kinh nghiệm của tôi về quy trình 4 bước chỉnh phao, bạn có thể áp dụng những cách này trong quá trình đi câu thực tế nhé. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích được cho các bạn!
Sau khi chỉnh phao và tìm đáy xong là ta đã có thể bắt đầu câu cá. Bởi vì điểm câu bình thường thường ở nơi khá bằng phẳng, hơn nữa kích thước mồi câu cho mỗi lần đi câu không thể như nhau cho nên số nấc phao cho mỗi lần câu không thể hoàn toàn giống nhau được, ví dụ như bạn muốn câu 3 nấc nhưng có thể sau khi ném cần là 2 nấc rưỡi hoặc 3 nấc rưỡi. Điều đó không quan trọng, chỉ cần bạn có thể nhìn rõ sự thay đổi động tác của cá trên phao thì hoàn toàn có thể câu trúng cá, lúc này có nghĩa là bạn đã chỉnh phao chính xác rồi đấy!